Chiến dịch tuyên truyền, phổ biến và ban hành cẩm nang an toàn, an ninh mạng cho cán bộ, nhân viên các cơ quan, đơn vị nhà nước khu vực công
Chiến dịch tuyên truyền, phổ biến và ban hành cẩm nang an toàn, an ninh mạng cho cán bộ, nhân viên các cơ quan, đơn vị nhà nước khu vực công
Trong cuộc Cách mạng 4.0, thông tin là một dạng tài nguyên, đảm bảo an ninh và an toàn thông tin là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết. Chính vì vậy, trong năm qua, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã tích cực phát động các chương trình với mục đích tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về các mối đe dọa trên môi trường mạng cho khối cán bộ công chức, viên chức trong phạm vi các cơ quan nhà nước khu vực công. Các chiến dịch của Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đặc biệt chú trọng đến việc tuyên truyền và nâng cao ý thức nhận biết, phòng tránh và biện pháp kỹ thuật để khắc phục hậu quả trong trường hợp bị tấn công không gian mạng bằng mã độc.
Quá trình chuyển đổi số đã đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là việc xuất hiện nhiều lỗ hổng trong công tác bảo mật, đảm bảo an ninh mạng ở nhiều cơ quan nhà nước. Trong tình hình các mối đe dọa từ không gian mạng diễn biến phức tạp, các cuộc tấn công, xâm nhập và đánh cắp dữ liệu liên tục xảy ra, các tin tặc đặc biệt chú ý đến việc đánh cắp dữ liệu trên hệ thống mạng của các cơ quan chính phủ, các cơ sở an ninh quốc phòng, tập đoàn kinh tế và cơ quan truyền thông của quốc gia.
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), một trong những nguyên nhân khiến cho các cơ quan nhà nước thường dễ dàng bị tấn công mã độc, thiếu các biện pháp đảm bảo an toàn an ninh mạng là đội ngũ cán bộ, đặc biệt là các là bộ phụ trách công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị còn nhiều hạn chế, thiếu kinh nghiệm quản trị hệ thống. Nhiều người dùng ở các cơ quan, đơn vị chưa ý thức hoặc tự trang bị cho mình kiến thức để bảo đảm an toàn thông tin cho cá nhân và tập thể. Không ít người khi sử dụng phần mềm quản lý văn bản, quản lý nghiệp vụ theo thói quen không thay đổi mật khẩu, vẫn sử dụng mật khẩu mặc định được cấp nên dễ bị lộ lọt thông tin và mất an toàn hệ thống.
Với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đất nước trên không gian mạng, từ ngày 27/6 - 30/6, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền trên diện rộng tập trung vào nhóm đối tượng cán bộ, nhân viên các cơ quan, đơn vị nhà nước khu vực công từ Trung ương đến địa phương tại 63 tỉnh thành cả nước để tổ chức tập huấn và hướng dẫn các cán bộ công chức, viên chức. Trước thực trạng các hành vi tấn công không gian mạng thông qua lây nhiễm mã độc vào các thiết bị công nghệ ngày càng tinh vi và khó lường, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã biên soạn và cho ra mắt Cẩm nang “Phòng chống mã độc" dành riêng cho cán bộ công chức, viên chức, nhân viên các cơ quan, đơn vị nhà nước khu vực công. Cẩm nang đã được chính thức giới thiệu trên Cổng không gian mạng quốc gia tại địa chỉ khonggianmang.vn và lan tỏa đến 63 tỉnh thành trong cả nước trong ngày 27/6.
Cẩm nang “Phòng chống mã độc” đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và các đơn vị trong công cuộc phòng chống mã độc và đảm bảo an toàn thông tin trong bộ máy nhà nước. Nội dung của Cẩm nang “Phòng chống mã độc” tập trung vào những kiến thức cơ bản về: định nghĩa mã độc; các nguồn lây nhiễm chính; dấu hiệu nhận biết thiết bị nhiễm mã độc và hướng dẫn cách để phòng tránh và khắc phục, được trình bày ngắn gọn, rõ ràng và súc tích nhằm trang bị và hỗ trợ các cán bộ công chức, viên chức có thể dễ dàng hơn trong việc nắm bắt và thực hiện. Trong đó, nhiều cơ quan ban ngành đã sử dụng Cẩm nang để nâng cao nhận thức về cách nhận biết, phòng tránh và biện pháp kỹ thuật để khắc phục hậu quả trong trường hợp bị tấn công không gian mạng bằng mã độc trong các buổi đào tạo và tập huấn cho cán bộ công chức và viên chức, nhân viên các cơ quan, đơn vị nhà nước khu vực công.
Hiện đã có nhiều cơ quan ban ngành tập trung hơn vào việc triển khai các hệ thống bảo đảm an ninh, an toàn thông tin với hình thức quản lý tập trung, quy mô toàn ngành như: hệ thống kiểm soát truy cập (tường lửa), hệ thống phòng chống mã độc và hệ thống giám sát mạng, giám sát an toàn thông tin đã được đầu tư nhằm kịp thời phát hiện các nguy cơ; ứng cứu, khắc phục sự cố về mạng máy tính, sự cố gây mất an ninh, an toàn. Đặc biệt, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân đã được đầu tư, trang bị những thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo quy định tại Nghị định số 85/2016/NĐ-CP của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.