image banner
Năm 2023 đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số
Lễ hội truyền thống Phủ Thượng Đoạn năm 2025
Lượt xem: 11

Lễ hội truyền thống Phủ Thượng Đoạn

- Sáng 31/3 (3/3 âm lịch), UBND phường Đông Hải 1 cùng với Ban khánh tiết Phủ Thượng Đoạn long trọng tổ chức lễ hội truyền thống di tích lịch sử cấp Quốc gia phủ Thượng Đoạn năm 2025 để tưởng nhớ công đức của Thánh mẫu Liễu Hạnh. Tới dự có các đồng chí: Vũ Văn Lăng – UVBTVQU, Trưởng Ban Tổ chức Quận ủy, Bùi Quang Ngân – PCT UBND quận, lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị, đại diện lãnh đạo các phường trên địa bàn quận cùng đông đảo bà con nhân dân địa phương và du khách thập phương.

- Phủ Thượng Đoạn là 1 trong 6 đền, Phủ chính thờ mẫu. Phủ Thượng Đoạn được nhân dân lập lên từ cách đây hơn 400 năm, thờ Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh- một trong “Tứ bất tử” của Việt Nam. Tương truyền, cả 3 lần hạ giới của Công chúa Liễu Hạnh là cả ba lần Đức Thánh Mẫu cứu giúp người nghèo, giúp dân khai hoang lập đất, làm ăn sinh sống. Phủ Thượng Đoạn được xây dựng vào thế kỷ thứ 16, với chất liệu cột, kèo bằng gỗ, cùng hệ thống kiến trúc được trạm khắc hoa văn tinh xảo. Đặc biệt, trong số hàng chục đồ thờ tự tại Phủ có đến gần 30 hiện vật có niên đại từ 100 năm trở lên được xếp vào hàng cổ vật có giá trị lớn, với 23 bản sắc phong có niên đại 1846-1924 phong cho Liễu Hạnh công chúa Thượng đẳng thần. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nơi đây còn là nơi nuôi dấu cán bộ cách mạng. Với những giá trị về lịch sử văn hóa, năm 1992, Phủ Thượng Đoạn được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

- Theo thông lệ, cứ vào dịp đầu tháng 3 âm lịch hàng năm, nhân dân trong vùng lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công đức của Thánh mẫu Liễu Hạnh. Năm nay, Lễ hội Phủ Thượng Đoạn được phường Đông Hải I tổ chức trong 03 ngày, từ ngày 29 đến ngày 31/3/2025 (tức từ ngày 01 đến ngày 03/3 âm lịch). Tại lễ hội đã diễn ra nhiều hoạt động phong phú cả phần lễ và phần hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc với nghi lễ truyền thống.

- Lễ hội không chỉ là dịp để giới thiệu sâu rộng trong nhân dân về giá trị văn hóa, ý nghĩa lịch sử của di tích mà còn giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đã lưu truyền nhiều đời nay. Từ đó nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc quản lý, giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, truyền thống văn hóa tốt đẹp của địa phương, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc./.

BTV Phường Đông Hải 1
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Tin mới