Đình Phương Lưu thuộc phường Đông Hải 1, quận Hải An, nơi tôn thờ Đức Vương Ngô Quyền - ông tổ trung hưng nền độc lập dân tộc. Theo gia phả các dòng họ, đình Phương Lưu được tổ tiên các dòng họ làng Vĩnh Lưu (tên gốc của làng Phương Lưu) xây dựng vào năm 1720. Từ năm 1729 đến năm 1911 niên hiệu Duy Tân, các đời vua cấp 16 đạo sắc phong cho đình Phương Lưu.
Phương Lưu là một làng quê có nhiều di tích lịch sử - văn hóa. Đầu làng là Đàn Thiện (tức Thiện đàn) thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, Phật Thích Ca Mâu Ni, Trần triều và Thánh Mẫu. Đàn Thiện Phương Lưu còn lưu giữ bộ sách thuốc chữa bệnh thần kỳ cho dân chúng của tiền nhân. Ngày 2-11-2009, Đàn Thiện được UBND thành phố cấp Bằng công nhận xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố. Vào giữa làng là miếu Phương Lưu, nơi “bằng y” của Đức Ngô Vương Thiên Tử và Đức Thái Bảo phò mã Đô úy, Miếu Phương Lưu được nhà nước cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 28-12-2001. Giữa làng về xóm dưới là đình Phương Lưu, ngôi đình cổ kính được những người thợ sáng tạo điêu khắc, chạm trổ tinh vi, khoáng đạt.
Đình Phương Lưu nằm trên gò đất cao, có hồ nước trong xanh và những cây đa cổ thụ thâm thấp, thâm u đầy vẻ u tịch và huyền bí. Đình Phương Lưu tôn thờ Đức Vương Ngô Quyền, thờ Đức Đại Phạm Thiên Vương chi thần và Đức Bản thổ thần kỳ chi thần làm Thành hoàng làng. Hàng năm, đình Phương Lưu tổ chức lễ hội vào các ngày từ 14 đến 16 tháng 2 âm lịch. Trong ngày hội mở có các trò chơi dân gian như: đi cà kheo, đi cầu thùm, bắt vịt dưới hồ, kéo co, chọi gà, hát chèo, ca trù… Đình là nơi tổ chức việc làng trong những ngày đại sự, đảo vũ cầu mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, mùa màng bội thu, cá lắm tôm nhiều…
Cách đình khoảng 300m về xóm ngoài là Từ đường họ Trịnh cổ kính. Ngôi Từ đường họ Trịnh làng Phương Lưu là công trình có quy mô lớn nhất so với các kiến trúc xung quanh. Từ đường họ Trịnh còn lưu giữ kiến trúc gỗ và đồ thờ tự có niên đại trên 100 năm, in đậm nét cổ kính của một dạng công trình tín ngưỡng đặc trưng của làng quê Việt Nam. Khuôn viên từ đường được bố cục một cách chặt chẽ, hài hòa với thiên nhiên, kiến trúc đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ: cổng - ngõ - hàng rào - bình phong - bể cạn - sân - nhà chính - nhà phụ - vườn hoa, cây cảnh… Không gian từ đường bố cục hợp lý, khoáng đạt, nơi thờ tự trang nghiêm và nơi sinh hoạt thuận tiện. Ở đây có căn hầm bí mật nuôi giấu cán bộ thời kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 10-10-1949, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên xã Đông Hải, huyện An Dương (nay là phường Đông Hải 1 và phường Đông Hải 2 thuộc quận Hải An) được thành lập. Tại khu di tích Từ đường họ Trịnh hiện còn có Ban thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng liệt sĩ và 4 đảng viên đầu tiên của Chi bộ Đông Hải năm 1949. Trong khuôn viên Từ đường họ Trịnh còn có đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thư viện Võ Nguyên Giáp…
Cuối làng Phương Lưu là chùa Vĩnh Khánh, một cổ tự trang nghiêm với nhiều tượng Phật cổ kính, linh thiêng. Chùa Phương Lưu (Vĩnh Khánh tự) được xếp vào hàng các chùa cổ Việt Nam trên đất Hải Phòng. Hàng năm, chùa Phương Lưu mở hội mùa Xuân vào ngày 28 tháng giêng, thu hút hàng nghìn tín đồ Phật tử và du khách thập phương và nhân dân địa phương.
Theo thời gian, đình Phương Lưu bị xuống cấp nghiêm trọng. Thể theo nguyện vọng của nhân dân muốn phục chế lại đình làng, giữ lại di sản cho quê hương và là nơi sinh hoạt văn hóa của nhân dân, năm 2014, được sự giúp đỡ của Đảng ủy và chính quyền phường Đông Hải 1, nhân dân cùng các cơ quan đoàn thể, doanh nghiệp đóng trên địa bàn nhất trí công đức tiền của, công sức phục dựng lại đình Phương Lưu. Ngày 10-10-2014, lễ động thổ khởi công tu sửa, phục chế đình Phương Lưu diễn ra trang trọng, được nhân dân nô nức hưởng ứng và nhiệt thành tham gia.
Đình Phương Lưu được dự toán xây dựng hoàn chỉnh với số tiền khoảng trên 4 tỷ đồng bằng nguồn kinh phí xã hội hóa do nhân dân công đức và các cơ quan đoàn thể, doanh nghiệp tài trợ. Riêng Công ty TNHH Thương mại Tân Hồng thuộc Tập đoàn Kinh tế công nghiệp Đông Hải đóng trên địa bàn công đức toàn bộ phần phục chế xây dựng lại đình Phương Lưu và một số công trình phụ trợ với số tiền trên 3 tỷ đồng.
Công trình phục dựng đình Phương Lưu với nhiều hạng mục đã được hoàn thành như: đào và kè hồ; xây 2 cổng tả vu, hữu vu; bình phong; tượng voi phục bằng đá ong Đường Lâm; trồng 2 cây duối và cây đại cổ thụ trên 100 năm; xây nhà bia và dựng bia ghi danh các Mẹ Việt Nam Anh hùng, bia ghi danh các Anh hùng liệt sĩ người Phương Lưu; bia ghi danh những người Phương Lưu học hành đỗ đạt; bia lưu danh các tập thể và cá nhân công đức, tài trợ bảo tồn di sản văn hóa
Phương Lưu… Đến nay, công trình phục chế đình Phương Lưu đã hoàn thành, đảm bảo chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật và đủ điều kiện đưa vào hoạt động theo nếp xưa tục cũ.
Lễ khánh thành đình Phương Lưu được tổ chức trọng thể trong 3 ngày, từ 14 đến 16 tháng 2 năm Bính Thân (tức từ 22 đến 24-3-2016). Đại lễ khánh thành đình Phương Lưu với hoạt động chủ lưu là lễ rước tượng Đức Vương Ngô Quyền hồi cung cấm đình Phương Lưu, tiếp đó là lễ hô thần nhập tượng, lễ an vị thần tượng Đức Vương Ngô Quyền. Các hoạt động trong lễ khánh thành còn tái hiện ngày hội đình Phương Lưu thông qua các hoạt động rước thuyền rồng, nghi thức tế lễ cầu quốc thái dân an, dân khang vật thịnh, mọi người mạnh khỏe, hạnh phúc, con cháu học hành tiến bộ, mưa thuận gió hòa… Trong 3 ngày mở hội còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian truyền thống như: bắt vịt dưới hồ, chọi gà, đi cầu thùm, kéo co, biểu diễn nghệ thuật…
Người Phương Lưu - Đông Hải rất tự hào về truyền thống quê hương, về mảnh đất “nhân kiệt làm nên địa linh” và mong muốn biến các di sản văn hóa trên quê hương thành sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn của thành phố Cảng Hải Phòng.